|
1.
VNNP:
" Lâu lắm không hề nghe thổ âm
răng - rứa
- chừø - mô cũng lạ dần
giọng treo trên núi hồn xiêu lạc
giọng bỏ về nơi chốn tị trần " |
 |
Thưa anh Hoàng Xuân Sơn, Vi xin mượn bài thơ " Thổ Âm "
trên đây của anh như là một lời giới thiệu về nhà thơ HXS với độc giả VNNP .
Khi đọc bốn
câu thơ này, có lẽ độc giả cũng nhận ra ngay mối liên hệ mật thiết giữa anh và xứ Huế, nên anh
mới có nỗi thiết tha về thứ tiếng thổ âm đặc biệt
miền trung này . Bên cạnh đó còn man mác như dòng sông
nỗi luyến tiếc về một điều gì vừa mất mát . Xin anh nói thêm về
Huế và nỗi luyến tiếc này
trong anh.
HXS : Thân mến chào Tường Vi . Thân chào quý bạn đọc
VNNP . Cám ơn TV đã trích dẫn bài " Thổ Âm " trong tập Huế Buồn Chi để mở đầu cho buổi nói chuyện ngày
hôm nay .
Rứa chừ tui bắt đầu bằng cái thổ âm đặc sệt Huế ni không biết qúy vị nghe có lọt lỗ tai không ? Chắc là
không được dễ dàng lắm hỉ ! Nhiều người cho rằng tiếng Huế nghe líu lo như chim, khi thì rạt rào như hành vân lưu thủy . Tui thì tui nghe ra nặng chình chịch, ngang phè phè ( Nói "dỏ dỏ "... mấy ôn mấy mệ nghe được
chắc bị ăn mấy cái tát tai ! ) .
Vậy thì xin thưa : " Tui Huế chính cống đây nì ! " . Nhưng mà tui chỉ sinh sống ở miền sông Hương núi Ngự
từ thơ ấu cho tới lúc học xong trung học . Sau đó thi lang
bạt kỳ hồ vô tận trong Nam, tận đất Sè Goòng như nhiều " cụ " đàn ông con trai Huế khác :
Anh chàng người Huế đi phiêu bạt
vô tuốt Sài Gòn ở gác thuê
chiều chiều ngó xuống đường xe cộ
buồn ! nhớ ! chi mô, lạ rứa tề !
Mấy câu ni tui đã ghi (và còn nhớ được) lúc chân ướt
chân ráo lơ ngơ ở "xứ người ". Nhưng tại mần răng phần đông con trai Huế lại hay phiêu bạt giang hồ ? Ðể
tui giới thiệu cùng quý vị đôi nét về xứ Huế . Như sách
vở thơ văn đã diễn tả : phong cảnh cố đô với núi -
sông - nương - đồi, với lăng tẩm đền - đài - miếu - mạo tuy không hùng vĩ, tráng lệ nhưng mang một vẻ đẹp cổ
kính, trang nghiêm; phảng phất một chút gì thâm u kì bí của nếp rêu phong cổ hoài và khói sương lãng đãng . Có lẽ cái phong thổ khép kín và khí thiêng sông núi
trầm uất đã un đúc cho người con, dân xứ Huế một tâm hồn lãng mạn cực cùng nhưng lại đè nén cảm xúc,
che dấu bên trong hơn là mở rộng ra những cánh cửa giao
tiếp bên ngoài . Nhiều người cho rằng dân Huế kín đáo
đến độ lạnh lùng . Thiệt ra vơ đũa cả nắm cũng oan .
Cũng có người Huế lịch lãm biết mở rộng vòng tay và
tâm tình với tha nhân. Nói chung, những người sinh trưởng
trên phần đất được gọi là thần kinh, trải qua nhiều triều đại vua chúa, cái cung cách cư xử cũng mang ít nhiều
kiểu cách, trưởng giả . Nếp sống thu gọn trong những đơn vị gia đình lễ giáo nghiêm nhặt (kín cổng cao
tường) , và trong vòng rào dư luận hạn hẹp khiến con người trong giao tiếp với nhau vẫn còn giữ kẽ ( bị
hiểu nhầm là xa cách ) ; mà cái tình nồng nàn thực sự
lại giữ rịt bên trong .
Rứa thì, nhiều người cho rằng đàn ông con trai mà đóng
đô muôn đời trong cái xứ thâm căn cố đế nớ thì chỉ
có " mụ " người đi, khó mà nở mặt nở mày với thiên hạ .
Nên các " trự " Huế mền bèn nổi máu giang hồ ca bài "
Ra Ði Khi Trời Vừa Sáng ", tở mở, đi khắp tứ xứ !
2.
VNNP:
Những điều anh nhắc trên đây về Huế có phải là
nguyên nhân cho sự ra đời thi tập Huế Buồn Chi vào năm 1993 ?
Nói một cách khác, tại sao anh lại chọn tựa đề cho tập
thơ thứ hai của anh là " Huế Buồn Chi" ?
HXS : Thì đúng như rứa TV ơi ! Như tôi đã đề tựa trong
tập Huế Buồn Chi : Tất cả cho Huế, vì Huế ! Ðể tôi tiếp tục một chút xíu nữa câu chuyện hồi nãy : Huế
là một xứ sở nói nôm na " bỏ thì thương, vương thì tội ".
Bất cứ đứa con hoang đàng nào bỏ Huế mà đi thì cũng có lúc
quay quắt nhớ thương về . Nhớ da diết nhớ tràn trề . Ðứng ngồi thấp thỏm trông về cái mảnh đất răng mà
suốt đời cứ buồn buồn. Không biết Huế chừ ra răng ?
Huế còn buồn chi nữa hè ? Buồn chi tội rứa tề?!
Tập Huế Buồn Chi ra đời trong cái tâm trạng đó, hoàn cảnh
đó. Mà cũng là cơ duyên : mình đã gặp gỡ và có cơ hội
làm việc chung với Hồ Ðình Nghiêm, bạn văn, một dân Huế
chay khác. Gần gũi nhau, anh em " mược sức " mà xổ giọng Huế,
nói tiếng Huế nhắc chuyện đời xưa đời xửa . Từ chỗ
nớ mình đâm ra nghĩ phải làm một chút gì cho Huế . Và cứ
rứa mà cảm xúc tuôn trào, viết được, viết một mạch một
lèo xong Huế Buồn Chi . Mà sau cú dốc hết toàn công lực nớ
cũng bị xính vính một thời gian mới viết lại được . Nên Huế Buồn Chi đối với mình cũng nặng ký lắm, ít ra
là về mặt tâm cảm .
3.
VNNP:
Cám ơn anh đã giải thích về tựa đề của tập thơ . Nhà văn Hồ Ðình Nghiêm đã viết về tập thơ : " Tôi mong
Huế Buồn Chi sẽ không chỉ loanh quanh ở miền sông Huơng núi
Ngự mà nó còn bước chân qua đèo Hải Vân để xuôi Nam hay
sang cầu Hiền Lương mà ngược Bắc . Nó không là " văn
chương miền Trung" mà nó phải là một cái gì hơn thế ..." . Rất cám ơn nhà văn Hồ Ðình Nghiêm . Riêng Vi, Vi nghĩ rằng
Huế Buồn Chi đã thật sự vượt qua đại dương để đến
với thi ca VNHN từ 1993 . Nhưng tại sao anh Hồ Ðình Nghiêm lại
nhắc đến văn chương miền Trung ? Có phải những cái rất Huế
như con đò, bến sông, câu Nam Ai điệu Nam Bình tiếng ni tiếng
nớ trong Huế Buồn Chi đã tạo cho tập thơ một nét đặc trưng
tiêu biểu cho văn chương miền Trung không thưa anh ?
HXS : Cám ơn TV đã có ý nghĩ tốt đẹp về Huế Buồn Chi .
Riêng Hồ Ðình Nghiêm vừa là bạn văn vừa là đồng hương
nên có ca cẩm một chút cho phe ta cũng không lấy làm lạ .
TV thấy đó, Huế Buồn Chi ra đời cũng nhận được một
vài tiếng vang, một vài cú " vỗ về âu yếm " . Nhưng ngó lui ngó tới cũng phe ta xúm lại vỗ tay phe mình ! Toàn
Huế mền không TV ơi : Này nhé ! Ngoài Hồ Ðình Nghiêm ra có
quý anh chị Hoàng Liên ( đã khuất ), Nguyễn Trung Hối, Trần
Doãn Nho, Tuệ Chương, Túy Hồng, Võ Ðình vv..vv.. Gần đây
được thêm Thu Thuyền, Tường Vi, Nhật Nguyễn ... ủng hộ
lòng cũng thấy vui vui . Nhắc rứa để TV thấy rõ là người
Huế họ binh nhau dữ lắm ! Ði mô cũng thấy hội ái hữu
tương tế Thừa Thiên ! Ðọc mô cũng thấy đặc san Huế !
Về văn chương miền này miệt nọ, thiệt ra cứ viết văn
làm thơ có dính một chút cái giọng điệu địa phương thì
người ta lại gán cho là thuộc mảng văn học x, y, z ...đặc
thù. Tôi thiết nghĩ chỉ có một gia tài chung là văn học VN . Dù được viết dưới bất cứ dạng thức nào, phương
ngữ gì; tác phẩm nếu được tồn tại sẽ phải là vốn
liếng văn học chung. Như tất cả mọi nhánh sông đều đổ
ra biển . Cái không khí, khí hậu của tác phẩm nếu viết
thành công, sẽ gây cho người đọc cái ấn tượng sâu đậm
về địa phương muốn nhắc nhỡ hơn là dùng thật nhiều danh
từ riêng nói về địa phương ấy .
4.
VNNP: Anh còn một tập thơ khác xuất bản năm 1989 là tập
Viễn Phố . Xin anh giới thiệu qua về tập thơ này . Ngoài
ra anh còn tập thơ nào in tại quê nhà trước năm 75 không ?
Và trước 75, sinh hoạt thi ca của anh như thế nào ?
HXS : Tập
Viễn Phố xuất bản năm 1989 (đã tuyệt bản) là công trình của anh em Việt Chiến ở bang Virginia, Hoa Kỳ
gồm có Giang Hữu Tuyên, Ngô Vương Toại và Nguyễn Ðình
Hùng . Họ chủ trương tập san Việt Chiến chuyên đề Văn học Nghệ thuật Chính trị ,ra được 13 số rồi
đình bản . Viễn Phố tập hợp một số bài viết trong nước sau thời điểm đứt phim 75 và nhiều sáng
tác trong những năm đầu sống đời tị nạn, phần lớn đã đăng tải trên Việt Chiến, Nhân Chứng, Văn Học,
Làng Văn, Nhân Văn, Tân Văn vv..vv. Theo nhận xét của Họa sĩ Nhà văn Võ Ðình : Tập Viễn Phố mang 4 phần
lớn, trải dài định mệnh và hoài vọng, gồm có :
* Quê Nhà Như Một Vết Thương
* Ở Một Nơi Ðến
* Hoài Niệm
* Dù Ðường Thiên Lý
Tất cả sáng tác phản ánh cái tâm thức lưu vong . Từ
những vết thương nhức nhối ở quê nhà, nỗi xót xa ở
khách địa và những hoài bão cưu mang cho một ngày hồi sinh phục vị .
Ở quê nhà trước 75, tôi không có thi tập nào xuất bản . Viết được cũng nhiều nhưng mức độ không dồn
dập như bây giờ . Chỉ có 2 bản thảo đã hoàn tất :
* " Chân Trần " gồm đa số các bài đã đăng tải trên
các báo Văn, Chính Văn, Thời Tập, Ðối Diện, Nghiên Cứu Văn Học, Khởi Hành, Nhà Văn ...Tiếc thay bản thảo
này đã bị tiêu tùng . Tất cả vốn liếng này đã đi đời nhà ma theo chân mấy chú mua bán ve chai ở Chợ
Lớn . ( Số là sau khi đựợc " giải phóng !!! ", một mảnh giấy vụn cũng có thể đổi chác thành miếng ăn .
Người nhà vô ý đã giải phóng tất cả thơ từ bản thảo của HXS ! )
* " Tuy Hai Mà Một " Tập thơ dành cho người nữ muôn
đời . May phước cặp kè bên mình nên còn lưu giữ được .
5.
VNNP:
Thơ Hoàng Xuân Sơn rất được hâm mộ, ngay cả thế hệ về sau
(là thế hệ lớn lên sau 75 thiếu vắng vốn liếng về thi ca) cũng nhắc đến anh với nhiều lời ca
ngợi . Nhà văn Nguyễn Trung Hối có lần đã nói : " Làm
thơ lục bát thì phải như HXS " . Thật vậy, trong Huế BuồnChi anh có khoảng 38 bài lục bát trong tổng số 53 bài thơ .
Có lý do gì khiến anh viết lục bát nhiều hơn các thể
thơ khác không ?
HXS : Ðược hâm mộ cơ à? Lại "tố chề" TV một lần nữa.
Nhưng tôi e rằng bảo HXS là một tiếng thơ quen thuộc với
bạn đọc thì đúng hơn, vì ... chường mặt hơi nhiều ! Bạn bè thường chế HXS đăng thơ tùm lum vì sợ bị quên
tên ! Nhưng thôi, kệ, còn viết được lúc nào hay lúc
ấy cũng tốt phải không ?
Anh Nguyễn Trung Hối nói vậy mà không phải vậy ! Anh ấy
chủ trương đổi mới hoàn toàn, gạt bỏ cái cũ không do
dự . Cho nên gởi bài cho báo Chủ Ðề mà kèm theo lục
bát thì kể như " Ðưa con vô Nội ", ra đi không hẹn ngày
về ! Gạt qua vấn đề cũ mới, tôi lúc nào cũng thấy
THÍCH thơ lục bát và có cảm tưởng rất gần gũi, như
thấy được cái hồn, cái chất Việt trong những câu thơ sáu tám ( Có lẽ mình đã quá quen thuộc với ca
dao, truyện Kiều, những bài hát ru ... rồi chăng ? ) . Tôi làm thơ theo nhiều thể loại nhưng loay hoay thế nào rồi
cũng quay về với lục bát . Có lẽ từ cái nhịp ru quen
thuộc, thấm nhuần lâu ngày trở thành thói quen sở đắc
sở dụng chăng ? Nhiều người nhận xét rằng thơ sáu tám
dễ làm nhưng khó hay . Vậy thì mình cứ bắt đầu bằng
chỗ dễ làm nớ, biết đâu mai mốt trời đãi, bảo ban
cho một đôi điều khởi sắc đặng đua chen với đời ?

Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Xuân
Sơn, Phạm Ngọc,
Nguyễn Trung
Hối, NguyễnVĩnh
Long,
San Jose 2/2001
6.
VNNP:
Hai bài thơ: Nhìn Lại (1984)
Bao nhiêu năm vẫn chưa hề ngó lại
những chốn qua là mỗi mỗi tình cờ
cơn nắng hạ giữa một ngày đông chí
cũng mơ hồ như lối cũ đường xưa
Hãy cúi xuống thấy mình thêm gầy guộc
mấy mươi năm phất phơ sống giữa đời
hồn nhỏ mọn như một nhành bông cỏ
giọt nước chìm con sóng vỗ mù khơi
Bờ mới đến chỉ là bờ tâm huyễn
vui gì đâu tiếng nói lạ tai người
từng cảnh trí từng huy hoàng bóng, sắc
từng băn khoăn ngột ngạt giữa đất trời
Người rồi cũng mất dần vào cương thổ
người hay ta trong cuộc rượu canh tàn
một chút gì ngùi đau hơn trí nhớ
bỗng xô về như cát lũ bờ hoang
Anh muốn nói với em một điều rất cũ
chúng ta buồn đời cũng có vui đâu
ngày xưa đó dù chẳng bao giờ thấy
giữ gìn nhau từng kỷ vật ban đầu
. . . . . .
và Tự Bạch (2001)
Một ngày
bút tự rong chơi
ngâm câu tự bạch
bỏ
đời thi thư
thành ai
vây khổn sương mù
buồn lên một ngọn trăng lu
võ vàng
cây đau cổ
xuống vai
quàng
rưng rưng chiếc lá
mầu khang lệ
còn
trường tình
mới buổi nào
son
đã nên oán khúc
đẽo mòn
xuân thơ
ai đem giọt nước ơ hờ
cũng xin thấm muộn
đôi tờ thư xưa
một ngày
bút tự xanh mưa
ngâm câu tự bạch
xin
vừa dấu yêu
Cách dùng từ, ý tứ trong 2 bài thơ cách nhau khoảng 15 năm
đó có khác nhau . Anh có nhận ra sự luân chuyển của ý tứ,
chữ nghĩa trong thơ mình không ? và sự thay đổi này đã
khởi sự từ đâu, từ bao giờ ?
HXS : Vâng, giữa hai bài thơ có sự cách biệt về chữ nghĩa
và ý tứ : bài đầu dung dị, bài sau rối rắm hơn . Khi có
dịp nhìn ngắm lại mình hoặc qua nhận xét của người khác,
tôi thấy rằng sự thay đổi của con người dù tiệm tiến
theo thời gian phải là tất yếu và có thể nói là toàn
diện . Thay đổi cả về sinh lý lẫn tâm lý trong chuỗi dài mắt xích của hoàn cảnh, đã khiến cho tất cả những
gì phụ thuộc vào con người cũng biến thiên theo . Chữ
nghiã là một sản phẩm của con người, cũng già dặn đi
thôi . Bè bạn nói thơ HXS hồi đầu " tha thiết " , giờ
này " trì chiết " hơn . Vết thương tươi bồng bột thuở ban đầu rồi cũng chùng lắng xuống !
7.
VNNP:
Có người cho rằng HXS là một tay " diệu dụng " ngôn ngữ thi ca. Anh nghĩ thế nào ? và làm cách gì để đạt
đến chỗ sở dụng ấy ?
HXS : Thật ra thì không có gì đáng gọi là thần kỳ hay
diệu vợi trong việc sử dụng ngôn ngữ thi ca . Người thì bảo là được mặc khải . Kẻ thì nói là do tinh luyện .
Tôi nghĩ là cần có năng khiếu và cần năng ôn luyện . Thử đào sâu một thói quen tìm tòi, suy nghĩ . Lâu ngày
chữ nghĩa nó chọn mình chứ mình không còn phải lựa chọn
chữ nghĩa nữa . Một chữ dùng " đắt địa " rất dễ có
hứng khởi dẫn dắt mình tìm đến những cái hay ho khác.
Ðạt được cái chỗ vi diệu của chữ nghĩa, văn học mình
cũng đã ghi lại nhiều dấu ấn sáng giá, tùy từng trường
hợp ứng dụng khác nhau . Chỉ riêng trong thi ca đã thấy :
Cổ điển lãng mạn như Triều Hoa Ðại, Hoàng Lộc, Ðức
Phổ - Bình dị như Quan Dương, Luân Hoán - Tân kỳ như Du Tử Lê - Chơn chất như Phan Ni Tấn - Cao ngạo như Phan Xuân
Sinh... Còn nhiều nữa, ví dụ như phái nữ ta : Ðằm thắm
như Tường Vi - Gợi cảm như Nguyễn Thị Thanh Bình, Lê Thị
Thấm Vân - Trí tuệ như Hồng Khắc Kim Mai, Trân Sa - Dịu hiền như Sương Mai, Thảo Chi vv... và vv...
8.
VNNP:
HXS còn được biết đến là một nhà thơ tài hoa có giọng hát rất hay, rất nghề . Chắc anh đã từng tham
gia các sinh hoạt văn nghệ tại Canada . Ca hát đối với anh
như một đam mê hay một cái nghiệp khác ngoài nghiệp làm
thơ ? Anh đã khởi nghiệp như thế nào ? Có tác phẩm nào
về lĩnh vực này không ?

HXS :
Thì TV cũng ca hát đó thê ! Thiệt ra chẳng phải nghề nghiệp gì đâu . Trời cho biết hát hò chút đỉnh cho đời
đỡ tẻ . Trước, người ta hay bảo mỗi người VN là một
thi sĩ . Nay, phải thêm vào mỗi người VN là một ... ca sĩ !
Phong trào ca hát ngày càng nổi lên rầm rộ . Từ đàn thùng tới Karaoke rồi Keyboard này nọ . Lúc này đây khán
giả quan trọng hơn ca sĩ . Nghĩ vui vui một chút : coi bộ ca sĩ lóng rày phải đóng tiền để được vỗ tay tán
thưởng ! Ca hát đối với tôi cũng có thể gọi là vừa
đam mê vừa nghiệp dĩ vì kể đeo đẳng cũng khá lâu . TV biết không : tôi bước lên sân khấu từ hồi 5 tuổi
( ghê chưa ! ? ) nhưng mà chỉ để hát đồng ca trong ban hợp ca nhi đồng . Thật sự bắt đầu ca hát nhiều tự hồi tụi tôi , một số bạn bè văn nghệ cùng ý hướng
lập nên Quán Văn ở trong khuôn viên Ðại Học Văn Khoa
Saigon cũ và Thư Viện Quốc Gia , khoảng 1966/67. Ðây là một địa điểm khá thơ mộng ngay giữa thành đô dành
cho các sinh hoạt văn nghệ phổ thông vô điều kiện, vô
vị lợi rất được các bạn trẻ thanh niên sinh viên hưởng
ứng và hoan nghênh . Ðây cũng là nơi xuất phát nhiều khuôn mặt ca nhạc lẫy lừng về sau như
Khánh Ly, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Thanh Lan, Vũ Thành An, Lê Uyên
và Phương ( Kể từ Thằng Bờm, hậu thân của Quán Văn ) ....Thời đó tụi tôi hay ôm đàn lui tới sinh hoạt
trong các quán cà phê văn nghệ, các tổ chức hội đoàn,
hoặc các trại công tác xã hội . Ðó là một khoảng thời
gian tràn đầy kỹ niệm đẹp cũng như hãi hùng( vì các hệ
qủa của chiến cuộc ). Sau này, lúc tạm cư ở xứ người
lại ngựa quen đường cũ, tiếp tục đàn đúm đàn ca xướng hát ! Tôi đã tham gia nhiều sinh hoạt văn nghệ tại địa phương . Nhưng thích thú nhất vẫn là được
ca hát giữa một vòng tròn bằng hữu thân mật . Tôi cũng đã có cơ hội góp tiếng trong hai băng nhạc ( tape lớn ) Kinh Việt Nam và Ta Phải Thấy Mặt Trời của Trịnh Công Sơn với chính tác giả và các ca sĩ
Vân Hòa, Vân Quỳnh, Vân Khanh ( các ái nữ của nhạc sĩ
Dương Thiệu Tước ) vào khoảng năm 1969-70 .
9.
VNNP: Thơ của anh có rất nhiều nhạc tính , nghĩa là
tự trong thơ anh đã có nhạc . Nhưng có khi nhạc lại đến
từ thơ . Thí dụ như Mộng Dưới Hoa thơ Ðinh Hùng, nhạc
Phạm Ðình Chương - Ngậm Ngùi thơ Huy Cận, nhạc Phạm Duy ....
Anh có cảm thấy cái ước muốn được phổ nhạc thơ của
mình không ?
HXS : Tôi nghĩ người làm thơ nào cũng có cái ước muốn
thơ mình được phổ nhạc . Ðó là một phương thức khác
rất hay đẹp để gửi gấm trực tiếp tình, ý của người
sáng tác đến người thưởng ngoạn không phải bằng sự cảm nhận một bài thơ theo lối đọc bình thường . Mà tôi
chắc cái cảm quan tiếp nhận hẳn rung động nhiều hơn khi lời thơ đó được hát lên, được chuyên chở bằng
âm nhạc . Tuy nhiên giữa thơ và nhạc phải có sự hài hòa
như TV đã nhắc đến . Và không nên có sự gượng ép .
Nghĩa là cầu cạnh để thơ mình được phổ thành ca khúc .
Tự người nhạc sĩ sẽ tìm đến những vần thơ hay, hợp
với dòng nhạc của mình . Không thế mà chúng ta đã có
những cặp tri âm Thơ/Nhạc rất là tuyệt diệu Du Tử Lê/Từ Công Phụng, Nguyên Sa/Ngô Thụy Miên,
Nguyễn Tất Nhiên/Phạm Duy ....
10.
VNNP : Chắc chắn HXS không dừng lại ở Huế Buồn Chi .
Bao giờ anh sẽ cho in các tập thơ Lục Bát HXS, Thơ Quỳnh,
Thơ Sử Mặc và các tập thơ này khác nhau ở những điểm
nào thưa anh ?
HXS : Câu hỏi của TV lại khơi dậy cái mối thương tâm : TV
là thi sĩ chắc cũng thống hiểu cái nỗi khổ tâm của kẻ
làm thơ ngày càng lâm vào bước đường cùng của việc in
ấn, phát hành . Thích đọc thơ nhưng có ai chịu mua thơ đâu !
Than hoài thì trở thành cái nết xấu . Nhưng chị thấy
đó, mấy cái bản thảo mà TV vừa nhắc đến, như Thơ Quỳnh, Lục bát HXS ... cũng đã nằm ụ tròm trèm trên dưới 10 niên.
Có cái đã lâm bồn rồi mà không sinh được, nghĩ có tức
tưởi không ? Thôi thì cũng trông mong bước vào thiên kỷ
mới " vật cùng tắc biến " chăng ? Nếu được, ưu tiên
một cũng dành cho Thơ Quỳnh, gồm những bài viết từ hứng khởi mỹ cảm cũ có đôi phần ước lệ :
" Cây đàn
không biết để đâu
đánh lên một đoạn tơ sầu
nghe chơi
đã lâu
hồn ẩm bụi đời
cây đàn cũng lụy vào nơi
tục
trần ".
( Tấn Cầm Khúc - trích )
Nếu Thơ Quỳnh được xuất hành song song với một CD ca nhạc mang tên Quỳnh Hương, trình bày ca khúc của 10
nhạc sĩ tiêu biểu thì hay lắm !
Ngoài tên thật, tôi còn sử dụng một bút hiệu khác :
Sử Mặc . Theo bạn bè, những bài thơ ký tên SM nhuốm mùi triết lý hơn bình thường . Tôi tự thấy thơ Sử
Mặc có ý bỡn cợt và trào phúng như một chỗ xả hơi khác trong sáng tác . Lục Bát HXS dĩ nhiên là tuyền
sáu tám : Phần đầu cho một hành trình đi vào trường thiên Lục Bát .
11.
VNNP : Xin cám ơn anh HXS đã dành thời gian trả lời
phỏng vấn với VNNP hôm naỵ Xin anh có vài lời với độc
giả VNNP .
HXS : Xin được cám ơn nhiều lắm ! Cám ơn Tường Vi !
Cám ơn qúy bạn đọc thân mến của VNNP đã chịu thương chịu khó nghe tôi hát nãy giờ theo điệu " Tam Qúa DZ " -
Quá DZai - Quá DZài - Quá DZở !!! Xin chúc lành tất cả .
Chào tạm biệt .
Liên lạc với nhà thơ Hoàng
Xuân Sơn:
Email: son_hoang42@yahoo.com
|
|
|