Go: [ MAIN PAGE ]
Fonts: [ VIQR ] [ VNI ] [ UNICODE ] [ VISCII ] [ VPS ]


Mở cho thi tập Một Thoáng Trong Mơ

Hà Huyền Chi

     Ở buổi hội thoại tình cờ tại Florida, nơi nhà riêng của người thơ nữ Thanh Hiền (có Thừa Phong, Bội Ðiệp, Hà Trung Yên, Lê Bá Năng, Nguyễn Tấn Hưng, và một số văn, thân hữu khác tôi không thể nhớ tên), câu hỏi được nêu lên rất nổ: "Có khác biệt nào giữa một người viết văn và một người làm thơ? Khi làm thơ thì tứ đi trước hay từ đi trước?"

     Ở người bạn văn, Thế Giang, tác giả Thằng Người Có Ðuôi , thì vấn nạn ấy có chiều nhẹ nhõm hơn, dễ thương hơn: "Thi sĩ các ông sướng thật, cứ là một mình một ngựa, các ông ung dung sáng tác không cần bàn viết, và đôi khi không cần cả giấy bút nữa. Nói thật, tôi ghen với các ông đấy." Câu trả lời khi ấy là những tràng cười ròn rã trên quầy rượu vào khuya đã vãn tửu khách.

     Ở phát biểu của Viên Linh trên Thời Tập thì một nhà thơ thất bại có thể thành công trong nghiệp văn, và chưa từng có nhà văn thất bại nào đã tìm được chỗ đứng tốt trong thơ. Cũng theo Viên Linh thì chỉ có người làm thơ mới chịu bỏ nhiều thời gian cho việc loay hoay tìm tòi, mài chuốt một từ ngữ chưa hoàn chỉnh, đắc vị.

     Người viết văn nào cũng có lúc thử làm thơ. Nhưng số người nặng lòng với thơ hơn, lưu trữ in thành thi tập, vốn không nhiều. Trong giòng văn chương hải ngoại chúng ta có: Thơ Cao Tần (bút hiệu khác của Lê Tất Ðiều), Ðất Khách của Thanh Nam, Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Ðền của Mai Thảo, Thơ Tù , và Em, Tôi, Sài Gòn, Hà Nội của Duyên Anh... Và hôm nay, chúng ta có Một Thoáng Trong Mơ của Nguyễn Tấn Hưng.

     Những bài thơ Hưng đọc thấy rải rác trên các tạp chí Văn, Làng Văn, Sóng, Văn Học, Thế Kỷ 21, Ngày Nay, Ðẹp , v.v. không cho tôi một ấn tượng rõ nét. Bây giờ có dịp ngồi đọc bản thảo thi tập Một Thoáng Trong Mơ , do tác giả nhờ đề tựa, tôi đã có cái nhìn bao quát hơn về thơ Nguyễn Tấn Hưng.

     Cảm tưởng như giữa thơ và văn của Nguyễn Tấn Hưng đã có chung một tâm thể, một lối nhìn, một cách diễn đạt. Dường như thơ, trong quan niệm của Hưng chỉ là một thể loại văn vần. Mỗi bài thơ là một tiểu truyện, dàn trải theo khuôn nếp riêng. Không có những câu thúc về thể thức, ném đi những quy luật âm ngữ, bằng trắc.

     Nguyễn Tấn Hưng chưa tạo dựng được trong thơ anh sự cô đọng và chiều sâu cần thiết. Tuy nhiên, thơ anh quả nhiên là có nhiều chỗ khác người. Nơi những vần điệu mộc mạc, bình dị của anh, người đọc đã thấy những lấp lánh tỏa ra từ chữ nghĩa, cho những rung động, phản chiếu bất ngờ:

     Mưa thu lùa tâm bão
     Gió thổi hạt mưa bay
     Nhìn kia cơn sóng gợn
     Ngập lụt hồn ai đây
...

     (Mưa Thu, tr 46)

     Hổm rày nhớ giọng khế chanh
     Em ơi đừng nỡ giận anh suốt đời
...

     (Lời Trần Tình, tr 66)

     Em có biết vì tim anh em giữ
     Nên đời anh là chuỗi thất tình si
...

     (Tạ Từ, tr 79)

     Trở lại cuộc mạn đàm văn chương đã có với Hưng ở Florida: "Khi làm thơ thì tứ đi trước hay từ đi trước?" Câu hỏi như một viên sỏi ném xuống mặt hồ, mà dư ba của vấn đề đã vượt khỏi tầm giới hạn. Tôi đáp hồn nhiên theo phản xạ: "Cả hai yếu tố trên đều có ưu điểm riêng của nó. Miễn thơ hay là được."

     Thí dụ một cách đơn giản hơn, thi sĩ làm thơ cũng giống như một họa sĩ vẽ tranh. Hắn ta đứng trước khung vải đo lường, phác thảo, bố cục trước khi vẽ: Ðó là tứ đi trước, bởi hắn ta đã có sẵn chủ định là sẽ vẽ cái gì, cách nào. Từ đi trước là khi hắn cao hứng ném đại lên khung vải một hay nhiều tảng mầu khác nhau. Kế đó, hắn soi ngắm và tùy nghi dựng lên cung điện nguy nga hay vực sâu, biển chết, theo chất liệu mới khai phá, thu nhận được từ vô thức. Ở thơ Hưng là tứ đi trước.

     Nguyễn Tấn Hưng viết văn, Nguyễn Tấn Hưng soạn nhạc, Nguyễn Tấn Hưng làm thơ, Nguyễn Tấn Hưng chọc cười..., người sĩ quan Hải Quân đã nửa đời giao duyên cùng biển cả, nửa đời gá nghĩa với văn chương. Tôi nghĩ rằng Một Thoáng Trong Mơ chỉ là một bến tạm trong hải trình tiến đến sự toàn bích ở cõi thơ đích thực mà thuyền trưởng Nguyễn Tấn Hưng đang giong buồm tìm gặp.

Lacey, tháng 10, 1991
Hà Huyền Chi

Bài Trước Trang Chính Bài Kế Tiếp